Thị trường

Chia sẻ

Chứng nhận xanh LEED Platinum - Tiêu chuẩn "hàng hiệu" dành cho bất động sản văn phòng

Theo ghi nhận của Savills, tại Hà Nội, các chứng nhận xanh hiện đã trở thành thông lệ thị trường khi các dự án chất lượng cao đang hướng đến việc đạt được các chứng nhận công trình xanh như hệ thống LEED, EGDE, Green Mark, và LOTUS. LEED là hệ thống chứng nhận công trình xanh toàn diện, được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới, phân chia thành các hạng từ thấp tới cao như LEED Certified, LEED Silver, LEED Gold, và LEED Platinum.

Thời đại của văn phòng xanh

Tại Hà Nội, các tòa nhà cũ đã tồn tại nhiều năm trên thị trường, không có chứng nhận công trình xanh, đang thực hiện hoạt động cải tạo và nâng cấp. Các tòa nhà mới thì hướng tới việc đạt được các chứng nhận công trình xanh. Cụ thể, năm 2021, thị trường Hà Nội chào đón hai điểm sáng về bất động sản văn phòng chất lượng quốc tế và đạt công trình xanh là tòa nhà Capital Place Hà Nội và tòa TechnoPark Tower – trong đó, Capital Place đạt chứng chỉ LEED Gold, và TechnoPark Tower đạt chứng chỉ LEED Platinum. Năm 2022 - 2023, Hà Nội tiếp tục đón nhận 3 dự án LEED Gold khác, và dự kiến năm 2024 thị trường sẽ tiếp tục có 3 tòa hạng A mới đạt LEED Gold.

Theo Thông tư 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam phải công bố báo cáo ESG, đánh giá tác động môi trường và xã hội. Do đó, tất cả các doanh nghiệp đều cần đánh giá các tiêu chí như phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng và nước.

Kết quả là thị trường văn phòng đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về nhu cầu thuê các tòa nhà mới, được xây dựng, hoàn thiện với hệ thống kỹ thuật chất lượng cao, là công trình xanh bền vững và thân thiện với môi trường.

Theo báo cáo mới nhất của Savills Impacts 2023, trong lĩnh vực văn phòng, nhu cầu về các dự án chất lượng đã tạo sự phân cách rõ rệt trên thị trường. Khách thuê sẵn lòng trả thêm tiền để thuê không gian văn phòng xanh và bền vững. Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết: “Sự dịch chuyển mạnh mẽ về nhu cầu khách thuê đã phần nào đẩy mạnh tính cạnh tranh giữa các tòa nhà, tạo ra áp lực về giá thuê cho các tòa nhà cũ, không đáp ứng được tiêu chí về môi trường. Việc xanh hóa các tòa nhà văn phòng gần như đã trở thành yêu cầu thiết yếu. Làm việc tại những dự án này, doanh nghiệp sẽ tối ưu chi phí vận hành, tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, đồng thời mang đến không gian làm việc đề cao sức khỏe thể chất, tin thần và thúc đẩy sự hợp tác giữa nhân viên.”

“Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng có một số lượng lớn các tòa nhà cũ, không đạt các tiêu chuẩn xanh. Các tòa nhà này có thể đối diện với áp lực phải giảm giá để cạnh tranh nếu không có các chiến lược cải tạo, nâng cấp phù hợp,” bà Minh chia sẻ thêm. “Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi giá nhiên liệu tăng cao, nhiều quốc gia đặt ra mục tiêu giảm phát thải CO2 thì nhu cầu thuê văn phòng tại những tòa nhà đạt chứng nhận xanh càng lên cao, vô hình trung sẽ tạo áp lực gia tăng khoảng cách về chênh lệch giá.”

Chứng chỉ xanh quốc tế - LEED (Leadership in Energy and Environmental Design)

Sức hút của LEED và phân hạng cao nhất – LEED Platinum

Trên trường quốc tế, các hệ thống đánh giá công trình xanh này đang trở thành tiêu chuẩn để quyết định tính cạnh tranh của từng dự án. Một số chứng nhận phổ biến nhất phải kể đến BREEAM và EDGE (từ Vương quốc Anh), Green Mark (từ Singapore) hay BEAM Plus (từ Hồng Kông). Tại Việt Nam, trong bối cảnh thị trường chưa quen thuộc với các hệ thống chứng nhận công trình xanh, thì LEED (viết tắt của Leadership in Energy and Environmental Design) đang nổi lên là chứng chỉ quen thuộc của nhóm các tòa nhà văn phòng chất lượng cao và hiện đại.

LEED được coi là biểu tượng của sự tiên phong và tính bền vững. Được tạo ra vào những năm 90 bởi Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ, chứng nhận LEED đặt mục tiêu đảm bảo một hệ thống đánh giá công bằng và minh bạch đối với các tòa nhà xanh.

Không chỉ đánh giá về không gian xanh, thân thiện với môi trường, hệ thống tiêu chí của LEED cũng xét các tiện ích giao thông xung quanh, hiệu suất sử dụng tài nguyên và năng lượng vận hành hay chất lượng không khí môi trường bên trong toà nhà. Dựa trên những tiêu chí đó, mỗi dự án sẽ được tính điểm và xét theo 4 cấp hạng, khắt khe nhất là LEED Platinum, theo sau là LEED Gold, LEED Silver, và căn bản nhất là LEED Certified.

Trên thế giới đã ghi nhận không ít các tòa nhà biểu tượng được phát triển theo bộ tiêu chí LEED, như Trụ sở Facebook (LEED Platinum), Taipei 101 (LEED Platinum), Shanghai Tower (tòa nhà cao thứ hai thế giới, LEED Platinum) hay Bryant Park (LEED Platinum). Tại Việt Nam, thị trường chỉ ghi nhận hai dự án đạt chứng nhận LEED Platinum, trong đó có 1 dự án duy nhất tại Hà Nội là tòa tháp văn phòng TechnoPark Tower.

Bà Chu Thanh Hương, đại diện Vinhomes Office Leasing cho biết: “Với định hướng phát triển một tòa nhà văn phòng chất lượng quốc tế và thể hiện quyết liệt cho cam kết phát triển bền vững, TechnoPark Tower là dự án đầu tiên của chúng tôi đạt được thành công trong việc chinh phục phân hạng khắt khe LEED Platinum. Thành quả này không chỉ đem đến cho thị trường một tòa nhà văn phòng chất lượng quốc tế, đáp ứng tốt các yêu cầu về phát triển bền vững, tạo môi trường làm việc khỏe mạnh của cộng đồng khách thuê, mà còn đóng góp thiết thực vào lộ trình hướng đến Net Zero của Việt Nam”.

Bắt đầu đi vào vận hành vào năm 2021, TechnoPark Tower là dự án văn phòng gia nhập thị trường Hà Nội gần 110.000 m2 diện tích văn phòng xanh. Tại dự án này, các ưu điểm về vị trí liên kết vùng, liên kết di chuyển và sự đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc giúp dự án đạt được phân hạng "khó tính" nhất của chứng chỉ quốc tế LEED.

Bên cạnh hệ thống xe điện nội khu và đi lại nội thành Hà Nội, toà nhà tích hợp đa dạng ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý vận hành, như việc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI vào các hệ thống Access Control, Car Parking, CCTV.

Đặc biệt, chứng chỉ LEED Platinum đặt trọng tâm vào việc tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh cho cả khách thuê và nhân viên. Ví dụ, tòa nhà sử dụng kính hộp Low-E dày 26mm để duy trì nhiệt độ ổn định bên trong, hiệu quả ngăn chặn truyền nhiệt từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong, trong khi vẫn đảm bảo sự thông thoáng của ánh sáng mặt trời. Thiết kế của TechnoPark cũng nhằm giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng bằng cách tự động tắt hệ thống chiếu sáng mặt tiền từ 12h đêm.  

Theo Báo Markettimes

https://markettimes.vn/xanh-hoa-van-phong-lam-viec-tro-thanh-xu-huong-tai-ha-noi-39261.html